Tiếng nói bên trong

Lương tâm, hay tiếng nói bên trong, vận hành như chiếc la bàn định hướng cho cuộc đời ta. Lương tâm là người bạn tuyệt vời nhất, chỉ cần ta dừng lại để lắng nghe; và nếu phớt lờ nó thì ta sẽ bị nguy hiểm. Nhiều lúc ta đã lờ nó đi, bịt tai để không nghe thấy, hoặc không xem nó là quan trọng.

tieng-noi-ben-trong

Tiếng nói bên trong là tiếng nói của sự thông thái. Tiếng nói ấy mách bảo ta, chỉ dẫn ta sống đúng nghĩa: thuận theo quy luật tự nhiên. Tiếng nói ấy là công cụ lèo lái ta theo hướng sống hài hòa với tất cả mọi thứ xung quanh. Tiếng nói ấy thôi thúc ta cân bằng cuộc sống của mình bằng cách giúp ta cân nhắc điều gì nên hoặc không nên nói và làm. Tiếng nói ấy còn hướng dẫn ta chọn lành tránh dữ và thực hiện các hành động trao hạnh phúc, vượt đau khổ.

Mục tiêu đầu tiên của lương tâm là giữ ta an toàn trong không gian của bình an và hạnh phúc. Nó giúp ta tránh thực hiện những hành động để lại tác động nguy hại cho người khác và cho bản thân. Khi ta tin tưởng và nghe theo tiếng nói bên trong của mình, cuối cùng nó sẽ thức tỉnh tâm trí ta đạt đến nhận thức thuần khiết hơn, hướng thượng hơn.

Con đường tâm linh, con đường trau dồi bản thân, khuyến khích ta liên tục nuôi dưỡng và lắng nghe lương tâm của mình. Khả năng làm chủ đối với tâm trí xuất phát từ việc lắng nghe, phân biệt đúng - sai và đi theo điều đúng. Nhiều triết lý sống khuyên bảo chúng ta nên “theo” họ, vốn chỉ biến chúng ta thành “người đi theo” chứ không là người tiên phong, người lãnh đạo (bản thân). Phải khôn ngoan để không bị mắc kẹt vào giáo điều, chỉ nhìn vào những giá trị cốt lõi mà các triết lý sống ấy trao truyền. Sự thông thái bị vùi sâu bên trong ta, đang gõ nhè nhẹ để lôi kéo sự chú ý của ta. Ta chỉ cần dành chút thời gian để lắng nghe nó.

Nếu ta quay về với những giá trị cốt lõi của tâm hồn mình, ta sẽ nhận ra lương tâm rất thanh khiết, không gì có thể chạm tới. Cho đến cùng, lương tâm ta chỉ tìm kiếm bình an, yêu thương và hạnh phúc, đồng thời cũng mong muốn điều tương tự cho người khác. Đó là lý do vì sao mà chúng ta có bản năng phân biệt được thiện - ác, mong muốn hòa bình chứ không thích chiến tranh, biết được sự khác biệt giữa hạnh phúc và khổ đau.

Einstein xem tiếng nói bên trong giống như là ngọn nguồn tri thức – cả đạo lý và khoa học. Thỉnh thoảng ta làm hoặc nói những điều ta biết là không đúng; rồi lương tâm cắn rứt, nhắc nhở rằng ta đã đi ngược bản chất tự nhiên của mình.

Bứt rứt là kết quả của tình trạng thiếu đồng điệu giữa cảm nhận bên trong và lời nói, việc làm. Mà cảm nhận thì không bao giờ dối gạt ta. Cảm giác không thoải mái là hồi chuông báo hiệu của lương tâm, cảnh báo cho ta biết có kẻ đột nhập và sẽ lật nhào trạng thái tồn tại thật của ta. Tiếp theo là khoảnh khắc chọn lựa, ta cần phải tìm ra sức mạnh để vượt qua với hành động đúng đắn.

Trong cuốn The Unconscious Civilization (tạm dịch Một nền văn minh vô thức), John Ralston Saul tuyên bố: “Ở những quốc gia phát triển thời nay, nhiều người buộc phải phó thác cảm nhận đúng - sai và lương tâm phân định của họ cho các chuyên gia...”.

Điều này chắc chắn đúng trong nhiều trường hợp, khi mà chúng ta, những người tiêu dùng, chỉ quan tâm đến việc tiêu xài chứ không màng tới sự hữu hạn của nguồn tài nguyên trên Trái đất. Chúng ta đã đánh mất lương tâm – khả năng phân định – của mình chăng? Hay là chúng ta chỉ cần biết đến hiện
tại của mình, chẳng có nghĩa vụ đạo lý nào đối với các thế hệ sau?

Thỉnh thoảng ta có những phán đoán sai lầm. Tuy vậy, dù do u mê hay do ý đồ sai trái, thì mỗi cá nhân vẫn phải nhận lãnh kết quả do việc làm sai mà mình đã thực hiện. Theo Luật Hành động - Phản ứng, hay Luật Nhân quả, tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm cho kết quả hành động của mình. Do vậy, ta phải chú ý hơn đến suy nghĩ và hành động của bản thân, vì đến thời điểm nào đó, ta phải trả “nợ” hoặc phải hối tiếc cho những việc làm sai ấy. Hãy lắng nghe tiếng nói bên trong thật cẩn thận.

Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp là một động thái mang ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy lương tâm xã hội/tập thể. Vừa giúp người, vừa giúp ta không hề làm suy giảm hiệu quả mà còn có thể tạo sự cộng hưởng tích cực.

Khi lắng nghe lương tâm, ta cũng nâng đỡ chính mình.
ĐÃ ĐẾN LÚC... lắng nghe tiếng nói bên trong và ngưng việc dập tắt “tiếng chuông” cảnh báo. Lương tâm là bạn chứ không phải là thù của ta. Không nên e sợ vì lương tâm có mặt là để giúp ta sống đàng hoàng, tử tế hơn. Hòa bình thế giới chỉ được thiết lập khi ta hiểu và thực hiện những nghĩa vụ đạo lý đối với tập thể, nghĩa là mỗi người cần lắng nghe lương tâm để trong sạch hóa hành động của mình.~Trích Đầu Tư Cho Mối Quan Hệ

SÁCH ĐANG ĐƯỢC QUAN TÂM NHIỀU:

Đầu Tư Cho Mối Quan Hệ

 Đầu Tư Cho Mối Quan Hệ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2015 Sóng Xô - Thay Đổi Để Tốt Hơn
------------------------- Home| Ý Nghĩa Cuộc Sống| Gia Đình| Tình Yêu| Suy Ngẫm